Public Realation

Monday, March 20, 2006

Trào lưu PR?

Thật là oách khi tay rút điện thoại, nói tiếng Anh như gió và xưng danh:”Tôi là một PR”. Không chỉ dành cho SV ngành báo chí, dù học kinh tế hay văn hoá, tài chính hay du lịch… miễn là yêu thích thử thách và muốn khám phá sức sáng tạo của chính mình, bạn có thể là một PR.

Một nghề được giới trẻ, đặc biệt là SV, quan tâm tìm hiểu trong thời gian gần đây, đó là PR (Public Realation - Quan hệ công chúng). PR được nhiều người theo đuổi, giờ đây nó thực sự đã trở thành một trào lưu. Những người của trào lưu này đang phải tự mò mẫm khi mà PR ở Việt Nam vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về nó. Nhưng trên hết, PR vẫn được lựa chọn là nghề thể hiện cao nhất sức sáng tạo vô biên của giới trẻ.

Tôi đến với PR vì...

Phượng (SV Học viện Ngân hàng): ”Bạn bè nói chuyện nhiều về PR, nhưng mỗi người nói một kiểu. Tôi muốn tự mình biết về nghề này”.

“Tôi thích thử thách, chính vì thế tôi chọn PR và tìm cách để tiếp cận nghề này”, Ngà (SV K22 báo mạng, Học viện Báo chí tuyên truyền).

Không chỉ tìm hiểu nghiên cứu, rất nhiều SV đã tham gia làm PR cho các công ty, tổ chức khá chuyên nghiệp.

Quỳnh Hương, SV Báo chí năm thứ tư, hiện đang làm PR cho công ty AIT Hà Nội đã đầu tư rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và tìm hiểu về PR từ năm thứ 2, đặc biệt là về công việc của các nhân viên truyền thông trong doanh nghiệp và vấn đề tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông. "Qua đó, mình nhận thấy rằng, đây là công việc không chỉ đem lại hào quang. Đặc thù của công việc không mang tính chất cố định về thời gian, bất kể khi nào bạn cũng làm việc, khi ở quán cà phê hay ở bất cứ đâu".

Theo Quý (sinh viên báo chí làm PR tại VDC): ”PR đang được coi trọng hơn trước rất nhiều. Giờ đây, bất cứ công ty nào muốn tồn tại lâu bền đều phải nghĩ đến việc làm PR cho mình".

Hiện nay, một số công ty PR thành danh nhờ nỗ lực và phương pháp làm việc chuyên nghiệp như: TNA, Galaxy, Power PR…

PR cần...

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ PR chỉ gói gọn là quan hệ báo chí, tổ chức sự kiện, giải quyết khủng hoảng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn đánh đồng công việc của PR với các sự vụ lặt vặt như in ấn, viết thông cáo báo chí... Hay PR chỉ là quảng cáo hay chỉ là giao tế nhân sự.

Các công ty PR hoạt động không phải lúc nào cũng ở tư thế “ giương cung bắn”, tức là không phải lúc nào khủng hoảng cũng xảy ra cho PR "trổ tài".

Hoạt động thường ngày của các công ty PR ở Việt Nam thường là tư vấn cho các công ty và thiết lập duy trì tốt mối quan hệ với giới truyền thông. Có thể từ những việc như giúp một cửa hàng vàng bạc đá quý thu hút khách hơn bằng cách thiết kế lại hình thức gian hàng…

Là nghề phù hợp với giới trẻ, độ tuổi lý tưởng nhất của nghề này nằm trong khoảng 27-35. Mức lương của nhân viên PR khá hấp dẫn. Khảo sát qua thu nhập của nhiều nhân viên PR cho thấy, mức của người thấp nhất cũng là 200 USD. Có những người mỗi tháng lãnh trọn trên 1.000 USD.

Tuy nhiên, muốn trở thành PR, đòi hỏi phải có óc sáng tạo, kiến thức xã hội và phải chịu nhiều áp lực trong công việc, nói như Tuyết Vân (PR của 1 trường ĐH quốc tế): "Ngày nào có sự khốn khổ của ngày đó".

Muốn làm được PR, phải cần khiếu nói. Tuyết Vân lý giải: "Nếu không ăn nói lưu loát, không có duyên nói thì khó mà làm được". Ăn nói lưu loát cũng đồng nghĩa với bạo dạn. Không có chỗ cho một nhân viên PR nhút nhát, ngại giao tiếp hay mất bình tĩnh trước đám đông.

Đặng Đức Hiệp (chuyên viên Truyền thông- công ty VComs): ”Khả năng diễn đạt và truyền tin, thu nhận thông tin. Ngoài ra, tất nhiên bạn cần có kỹ năng máy tính văn phòng”.

SV ngành báo chí có nhiều cơ hội tiếp cận với PR và họ có thuận lợi cơ bản là được đào tạo về kỹ năng báo chí. Đó là điều rất quan trọng trong công việc của PR. Tuy vậy, điều mà các công ty mong đợi đó là những người có khả năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm khi cần thiết.

Quan trọng hơn cả, để trở thành một PR chuyên nghiệp, phải có kiến thức xã hội sâu rộng. PR ngày nay không đơn thuần chỉ là các hoạt động quan hệ báo chí, tổ chức các sự kiện. PR đã trở thành một công nghệ nên đòi hỏi người làm phải có trình độ chuyên môn cao. PR là người tư vấn chiến lược, đưa ra những phương thức hoạt động cho đối tác. Tính chiến lược là yếu tố xuyên suốt mà các công ty PR phải đảm bảo. Vì thế nhân viên PR không thể không biết sáng tạo.

Trần Bình Trọng (Giám đốc Công ty Power PR ): ”Có nhiều cách để tiến hành một hoạt động PR nhưng bản chất của PR là nói lên sự thật, nếu đi chệch ra khỏi nguyên lý này bạn sẽ bị loại. Những bạn trẻ khi tiếp xúc với PR tỏ ra rất nhiệt tình và thích thú. Nhưng khi thực sự bước vào công việc, dễ mắc phải sai lầm nên thấy thất vọng rất nhanh".

Học PR ở...

Các nhân viên PR đa số họ đều tốt nghiệp ở một vài ngành, trường như Đông Phương học, Marketting, Ngoại ngữ hay các trường Nhân văn, Kinh Tế, Ngoại Thương...

Tại các cơ sở đào tạo ĐH, Quan hệ công chúng mới chỉ được đào tạo như một học phần thuộc các ngành như Quản trị, Kinh tế và Marketing hay Báo chí. Năm học này, Học viện Báo chí tuyên truyền bắt đầu tuyển sinh ngành Quan hệ công chúng từ năm học 2006, đào tạo như một ngành độc lập ở bậc ĐH.

Trước đó, các cơ sở, tổ chức giáo dục "không phải ông nhà nước" đã nhanh chân hơn với việc mở các khóa ngắn hạn, đào tạo trực tiếp các kỹ năng của PR. Ở Hà Nội, một số trung tâm giáo dục như ở Hà Nội như THAME hay Victoria có cấp chứng chỉ đào tạo PR.

Tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu châu Á bắt đầu dạy khóa học PR theo trình độ quốc tế chủ yếu bằng kinh nghiệm thực tiễn của giảng viên từ các Viện nghiên cứu, nhà báo, chuyên gia trong lĩnh vực giao tế, lễ tân... Một số nội dung giảng dạy như: Quan hệ với báo chí, chính quyền, tổ chức họp báo, quảng cáo, phát biểu trước công chúng...

Khoa Thương mại du lịch của trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng có mở các khoá ngắn hạn. Học viên được học qua các kiến thức căn bản về tổ chức sự kiện, viết thông cáo báo chí, quan hệ...

ĐH Quốc tế RMIT cũng thường xuyên đào tạo PR theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Thường lớp học được tổ chức trong vòng 3 ngày hoặc 1 tuần tuỳ theo yêu cầu của đơn vị.

Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc công ty PR T&A trong buổi nói chuyện với Khoa Báo (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội): ”Chúng tôi cần những thành viên hết lòng với công việc. Đây là một nghề cần sự đam mê thực sự. Muốn làm được nghề này, bạn cần chuẩn bị cho mình một vốn tiếng Anh tốt và thao tác báo chí căn bản. Nếu bạn là SV và muốn trở thành một PR chuyên nghiệp, hãy tiếp cận với PR một cách có phương pháp qua các nguồn: Internet, sách báo, theo dõi những hoạt động PR ở VN và thế giới".